1. CÁ MÓ ĐẦU KHUM
Tên nguồn gen: cá mó đầu khum
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Côn Đảo, Phú Quí, Trường Sa
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 35
Tên khoa học: Cheilinus undulates Ruppell 1835
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh: Humphead wrasse
Tên tiếng Việt: Cá mó đầu khum, cá mó xù
Tên địa phương: theo China là Somei
![]() |
Hình: Cheilinus undulatus Ruppell, 1835 |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Perciformes
Họ: Labridae
Giống: Cheilinus Lacepede, 1801
Loài: Cheilinus undulatus Ruppell, 1835.
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 104,0 cm; chiều dài nhỏ nhất: 55,0 cm.
Khối lượng lớn nhất: 15,0 kg; khối lượng nhỏ nhất: 3,2 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: 55 cm; dao động: 55 – 58 cm.
Môi trường sống:
Nước mặn, sống đáy, rạn san hô
Phân bố:
Thế giới:
Việt Nam: Biển Miền Trung trở vào, Tập trung nhiều khu vực Phú Quí, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc
Hình thái:
Kết quả phân loại chỉ tiêu hình thái loài cá mó (Cheilinus undulatus) cho thấy: vây lưng (vây D) có IX tia gai cứng và 10 tia mềm, vây hậu môn (vây A) có III gai cứng và 8 tia mềm. Cá mó có chiều dài thân dài gấp 2,96 lần chiều cao thân (± 0,12), cá có tỷ lệ chiều dài khá cân đối với chiều cao. Chiều dài chuẩn của cá mó dài gấp 2,57 lần chiều cao thân (± 0,13) và gấp 2,89 lần chiều dài đầu (± 0,19); chiều dài đầu dài bằng 10,7 lần đường kính mắt (± 0,75). Như vậy cá mó có mắt tròn hơi to, cân đối với phần đầu và phân bố đều hai bên.
Cá mó đầu khum có hai vạch màu đen chạy sau mắt, đây là đặc điểm để phân biệt với các loài cá mó khác. Đầu cá hơi nhọn có màu xanh dương và có các đường gợn sóng màu vàng nhạt, phía trước đầu có u nhô lên, có thể nhô qua trước mắt tuỳ theo tuổi cá. Khi cá còn nhỏ có những đốm mầu sẫm lớn trên các vẩy tạo thành các dải sẫm và các dải nhỏ màu trắng nằm rải rác dọc cơ thể. Cá lớn thường có màu xanh nhạt hoặc màu xanh oliu, trên thân có các đốm màu sẫm thuôn dài. Trên mép vây lưng và vây hậu môn có viền màu vàng. Cá có miệng ngang và môi cá dày.
Sinh học:
Đặc điểm dinh dưỡng: Kết quả quan sát cơ quan tiêu hóa cá mó cho thấy: cá mó có miệng trên, rạch miệng ngang, môi dày. Hệ thống răng hàm và răng hầu phát triển mạnh, có khả năng nghiền vỡ các vỏ cứng của nhuyễn thể. Răng nanh thò ra ngoài, chúng có khả năng thò quai hàm ra nhanh và tạo ra cú đớp mạnh. Cá mó có răng hàm nhọn và sắc mọc thành hàng. Răng hàm trên có 26 cái và có 2 răng nanh nhọn trước hàm, hàm dưới có 22 cái và 2 răng nanh nhọn trước hàm. Nhìn vào cấu tạo răng có thể dự đoán được cá mó thuộc nhóm cá dữ, ăn động vật.
Cá mó có 7 lược mang và 4 cung mang, lược mang ngắn và thưa, xếp nằm trên xương cung mang hướng vào xoang miệng hầu. Thực quản ngắn, có vách dày, mặt trong thực quản có nhiều nếp gấp nên co giãn được. Cá mó gần như là không có dạ dày chuyên biệt, hệ thống tiêu hóa của cá mó rất ngắn, đoạn đầu phình to hơn có vách dày hơn nối thẳng với đoạn sau nhỏ hơn và thuôn dài. Tỉ lệ chiều dài ruột so với chiều dài chuẩn có giá trị trung bình là 0,48 ± 0,02. Theo Nikolski (1963), những loài cá có tính ăn thiên về động vật sẽ có tỉ lệ chiều dài ruột so với chiều dài chuẩn ≤1. Từ những đặc điểm về hình dạng, răng, miệng và kích thước của ống tiêu hoá có thể khẳng định cá mó là loài ăn động vật.
Thức ăn: cá mó ăn động vật và ăn đa dạng các loài. Các loại thức ăn tươi đang dùng để nuôi cá bao gồm mực, cá, tôm, ghẹ, ốc, loài hai mảnh vỏ (móng tay, nghêu, sò lụa, sò lông), điều này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Randall và ctv (1978). Khi ông quan sát 40 con cá mó (C. undulatus) tại vùng biển đỏ (Red Sea) cho thấy giáp xác là loài cá mó bắt mồi nhiều nhất chiếm 78%, kế đến là loài chân bụng chiếm 55,5% và loài chân rìu chiếm 49%, các loại nhím biển 48,3%, các loài cá 20% và rắn biển 7,5%.
Tuổi thành thục: Kết quả nghiên cứu vảy trên cá tự nhiên và cá nuôi cho thấy khi cá cái thành thục thường có khối lượng > 3,0 kg và tuổi > 7+, với cá đực thì khối lượng và độ tuổi lớn hơn nhiều.
Mùa vụ sinh sản: Theo kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy trong các năm 2012-2015 cá mó đã tham gia sinh sản từ tháng 4, 5, 6, 7 và tháng 11, 12 trong năm, cá đẻ nhiều lần trong tháng.
Hoạt động sinh sản: Kết quả quan sát cho thấy cá bắt cặp sinh sản chủ yếu vào thời gian từ 10 – 14 giờ hàng ngày, hoặc vào chiều muộn. Dấu hiệu bắt cặp sinh sản: Ban đầu cá đực đổi màu từ xanh nước biển sang màu xanh dương, 2 vây ngực xòe ra, bơi đuổi theo cá cái, thúc đầu vào bụng và cọ mình vào mình cá cái hoặc lượn vòng xung quanh cá cái, hoạt động này lặp lại nhiều lần trước khi cá cái đẻ trứng và cá đực phóng tinh. Một cá đực có thể tham gia sinh sản với nhiều cá cái và hoạt động đẻ kéo dài từ 2 – 4 giờ.
Sự thành thục: Khảo sát 4 cá mó cái nuôi vỗ có khối lượng từ 3.800 – 4.200g cho thấy chúng có hệ số thành thục từ 0,66 – 0,86%. Cá đực chuyển giới tính có hệ số thành thục là 0,55%. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy cá mó có hệ số thành thục tương đối thấp so với một số loài cá biển khác.
Kích thước trứng: Trứng cá mó có dạng hình cầu, trong suốt, nổi nhờ giọt dầu và có kích thước khá nhỏ. Noãn bào cá mó giai đoạn III – IV có đường kính TB 261,5 ± 43,72 µm, dao động từ 170 – 350 µm (n = 90), trứng thụ tinh sau khi trương nước có đường kính trứng TB là 608 ± 27,81µm, dao động 560 – 660 µm (n = 90).
Sức sinh sản: Kết quả khảo sát 4 cá có khối lượng 3,8 đến 4,2 kg cho thấy cá mó có sức sinh sản tương đối trung bình khoảng 311.633 trứng/kg, dao động từ 256.947 – 366.320 trứng/kg.
Thời gian phát triển phôi: Phôi phát triển từ Trứng thụ tinh hoàn chỉnh sau 16-17h ở điều kiện nhiệt độ nước từ 28 -30 0C, độ mặn 32-33 ppt. Phôi trải qua quá trình phân cắt và hình thành các cơ quan điển hình ớ cá xương.
Sinh học ấu trùng: Ấu trùng cá mó mở miệng vào ngày tuổi thứ 3. Kích thước miệng cá mới mở khá nhỏ (trung bình 110,7 ± 7,0 µm). Cá mó bột 3 ngày tuổi có kích thước trung bình là 2,37 ± 0,05 mm.
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ: Giá trị rất cao, dao động từ 80-100 USD/kg, cá nuôi được ở vùng ven biển và hải đảo. Thị trường tiêu thụ chính là làm cá cảnh cho các Aquarium trên toàn thế giới, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Làm thực phẩm cao cấp cho thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Indonesia, Malaisia, Philippine,…
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN: EN A2bd + 3bd
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: EN
2. CÁ DỨA
Tên nguồn gen: cá Dứa
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Trần Đề – Sóc Trăng; Long Sơn – Vũng Tàu
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ – Viện Nghiên cứu NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 60
Tên khoa học: Pangasius krempfi
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Cá dứa (khi sống ở môi trường lợ mặn), cá Bông lau (khi sống trong môi trường nước ngọt)
Tên địa phương:
![]() |
Hình: Pangasius krempfi |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Siluriformes
Họ: Pangasiidae
Giống: Pangasius Valenciennes, 1840
Loài: Pangasius krempfi Fang & Chaux, 1949.
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 77,0 cm; chiều dài nhỏ nhất: 55,0 cm.
Khối lượng lớn nhất: 4,6 kg; khối lượng nhỏ nhất: 2,0 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: 50 cm; dao động: 45-55 cm.
Môi trường sống:
Nước ngọt, lợ mặn, khả năng di cư giữa vùng nước ngọt và lợ mặn
Phân bố:
Vùng cữa sông, ven biển, sông lớn.
Hình thái:
Theo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái trong 18 cá Dứa (tên gọi của người dân địa phương) thu được thì không có cá thể nào có răng lá mía dính liền và gần như vuông. Chiều dài mõm bằng 35,2-42,8% chiều dài đầu và chiều dài cuống đuôi bằng 17,6–21,4% chiều dài đầu.
Số tia vây ngực (I-11), tia vây lưng (I-7), tia vây bụng (6), tia vây hậu môn (33), có răng lá mía, hở ở giữa, bóng hơi có 3 thùy chính và 2 thùy gấp nếp và có 4 đôi cung mang, cung mang 1 có 13 gai mang.
Sinh học:
Dinh dưỡng: Tỉ lệ Li/Lo của cá Dứa từ 1,5 – 1,65; cá có răng lá mía nên có thể xác định tính ăn của cá là ăn tạp và thiên về động vật.
Thức ăn và tập tính bắt mồi: cá ăn được cả thức ăn viên và thức ăn là cá tạp tươi. Bắt mồi vào ban ngày.
Trong điều kiện nuôi ở lồng bè đã có cá đực (3,5 kg) và cái (1,5 kg) có trứng và tinh nhưng đang ở giai đoạn II-III. Chưa phái hiện cá chín muồi sinh dục ở môi trường nước mặn.
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ: có giá trị cao, dao động từ 220.000 đ – 300.000 đ/kg tùy theo kích cỡ. Tiêu thụ chủ yếu ở trong nước vì số lượng rất hạn chế trong đánh bắt.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Tiêu chuẩn Việt Nam: NE
3. CÁ VỒ ĐÉM
Tên nguồn gen: cá Vồ đém
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Lào, Campuchia, Thai Lan và Việt Nam
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 50
Tên khoa học: Loài: Pangasius larnaudii Bocourt, 1866
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh: Black-spotted catfish
Tên tiếng Việt: Cá Vồ đém
![]() |
Hình: Loài: Pangasius larnaudii Bocourt, 1866 |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Siluriformes
Họ: Pangasiidae
Giống: Pangasius Valenciennes, 1840
Loài: Pangasius larnaudii Bocourt, 1866.
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 90,0 cm; chiều dài nhỏ nhất: 63,0 cm.
Khối lượng lớn nhất: 10,8 kg; khối lượng nhỏ nhất: 3,5 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trong bình: cm; dao động: cm.
Môi trường sống:
Nước ngọt.
Phân bố:
Ở lưu vực sông Mê Kông thuộc bốn nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Hình thái:
Đặc điểm phân biệt dễ nhận biết là cá có một chấm đen lớn ngay sau gốc vây ngực, và một vạch dài màu đen ở thùy vây đuôi. Vây lưng và vây ngực có tia vây đầu tiên cứng, các tia vây sau đó dài và mềm (Taki, 1974). Cá có 28-32 tia vây hậu môn, 13-17 tia mang ở cung mang đầu tiên (Rainboth, 1996). Cá đạt kích cỡ tối đa 150 cm, nhưng kích cỡ thường gặp là 90–100 cm (Poulsen và ctv, 2004).
Sinh học:
Dinh dưỡng: Ngoài tự nhiên cá Vồ đém ăn tạp thiên về động vật như cá giáp xác và thân mềm. Tuy cá Vồ đém sống và kiếm ăn ở các vùng nước sâu trên sông, nhưng đôi khi cũng được bắt gặp ở các vùng nước nông có dòng chảy mạnh. Vào mùa lũ cá di chuyển vào các vùng ngập, được ghi nhận ăn cả trái cây (Robert, 1993; Baird, 2007). Cá có răng hầu dạng cối nên có thể nghiền thức ăn có lớp vỏ cứng như ốc. Kết quả khảo sát bộ máy tiêu hóa cho thấy cá có răng lá mía gồm 2 đốm to, răng hầu dạng cối, bao tử dạng túi, tỷ lệ Li/Lo là 2,9 . Cá ăn rất nhanh, tần suất ăn cao (khi cho ăn bằng thức ăn viên) nên có thể cho rằng cá ăn tạp và thiên về động vật. Trong điều kiện nuôi lưu giữ, cá được thuần hóa nên sử dụng tốt thức ăn viên.
Sinh sản: Mùa vụ sinh sản của cá Vồ đém từ tháng 7 đến tháng 10. Vào giữa tháng 7 đã có cá có tuyến sinh dục đạt giai đoạn IV và có khả năng tham gia sinh sản, đến giữa tháng 10 tuyến sinh dục đang trong giai đoạn thoái hoá và trở về giai đoạn II. Kết quả thành thục cá Vồ đém đạt 80% (8/10 cá cái thành thục, kiểm tra ngày 30/09/2013). Hệ số thành thục đạt 3,4% đến 9,9% tùy thuộc cá thể. Sức sinh sản tuyệt đối đạt 181.910 – 258.267 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối thấp hơn, chỉ từ 34.901 đến 134.748 trứng/kg cá cái
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ: có giá trị trong NTTS.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: NE
4. CÁ VỒ CỜ
Tên nguồn gen: cá Vồ cờ
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: An Giang, Đồng Tháp
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 26
Tên khoa học: Pangasius sanitwongsei Smith, 1931
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh: Giant catfish
Tên tiếng Việt: Cá Vồ cờ
Tên địa phương:
![]() |
Hình: Pangasius sanitwongsei Smith, 1931 |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Siluriformes
Họ: Pangasiidae
Giống: Pangasius Valenciennes, 1840
Loài: Pangasius sanitwongsei Smith, 1931.
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 136,0 cm; chiều dài nhỏ nhất: 56,0 cm.
Khối lượng lớn nhất: 31,5 kg; khối lượng nhỏ nhất: 3,8 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: 100 cm đối với cá cái.
Môi trường sống:
Nước ngọt.
Phân bố:
Sông Mê Kông và hệ thống sông Chao Phra-ya ở Thái Lan.
Hình thái:
Là loài cá da trơn, các vây có đốm màu tối và dài. Tia vây đầu tiên của vây lưng, vây ngực và vây bụng mềm và kéo dài thành sợi. Đầu to, miệng rộng. Đầu các tia vây hậu môn có màu đen ở tất cả các cỡ cá, đặc biệt thấy rõ ở cá con. Tia vây lưng I.5, tia vây bụng I.5, tia vây ngực I.13, tia vậy hậu môn 25, tia vây đuôi 18.
Sinh học:
Dinh dưỡng: Cá ăn động vật, chủ yếu là cá và giáp xác nhỏ. Có tài liệu ghi nhận cá ăn xác chết động vật như chó và chim. Cá non ăn chủ yếu côn trùng và ấu trùng côn trùng (Poulsen và ctv, 2004).
Sinh trưởng: Theo kết quả báo cáo của (Thi Thanh Vinh, 2010) nhiệm vụ lưu giữ, cá vồ cờ nuôi trong ao tăng trọng từ 1–4kg/năm, nuôi trong ao khi cá thành thục (>12kg/con) cá tăng trọng chậm lại.
Sinh sản: Hiện chưa có tài liệu nào được công bố về sinh sản của cá vồ cờ. Chỉ có kết quả thực hiện của đề tài. Khi nuôi trong ao đã phát hiện cá cái (khối lượng 12 – 29,7 kg) thành thục, có noãn bào đạt giai đoạn IV vào tháng 6 – 8, cá có khả năng tham gia sinh sản nhân tạo. Trong năm 2018, 2019 nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc kích thích sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành cá giống. Bước đầu đã thu thập được các dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác khai thác nguồn gen ở giai đoạn tiếp theo. Trong số 22 cá thể cá Vồ cờ thì có 3 con cá cái và 1 cá đực thành thục (16-31,5 kg) và đã tham gia sinh sản. Cũng giống như một số loài cá khác, cá vồ cờ không đẻ tự nhiên trong điều kiện nuôi nhốt trong ao nước tĩnh. Để cá sinh sản nhân tạo cần phải dùng đến kích thích tố, cá rụng trứng tốt sau khi được tiêm chất kích thích với thời gian hiệu ứng kích thích tố từ 10 – 12 giờ. Trứng cá vồ cờ thuộc loại trứng dính, sau khi thụ tinh trứng được khử dính bằng tanin và ấp trong bình weys, sau thời gian 36 – 40 giờ thì cá nở ở nhiệt độ nước 28 – 30 0C. Cá vồ cờ thuộc loài cá dữ nên cá bột sau khi hết noãn hoàn có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau, tuy nhiên sau 20 ngày tuổi khi cá hoàn toàn quen với thức ăn công nghiệp thì hiện tượng ăn lẫn nhau mới chấm dứt.
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN: CR
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: CR
5. CÁ HỔ SỌC NHỎ
Tên nguồn gen: cá Hổ sọc nhỏ
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Tây Ninh, Củ Chi-TP.HCM
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 45
Tên khoa học: Datnioides undecimradiatus (Roberts và Kottelat, 1994)
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Cá Hổ sọc nhỏ
Tên địa phương:
![]() |
Hình: Datnioides undecimradiatus (Roberts và Kottelat, 1994) |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Perciformes
Họ: Datnioididae
Giống: Datnioides Bleeker, 1853
Loài: Datnioides undecimradiatus (Roberts và Kottelat, 1994).
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 34,0 cm; chiều dài nhỏ nhất: 19,5 cm.
Khối lượng lớn nhất: 0,95 kg; khối lượng nhỏ nhất: 0,15 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: Cá đực 20 cm; dao động 18,5 – 22 cm; Cá cái 21,9 cm; dao động: 19,5 – 25,9 cm.
Môi trường sống:
Ở nước ngọt, riêng có 2 loài Datnioides campbelli và Datnioides polota sống ở nước lợ.
Phân bố:
ở Borneo và Sumatra, Chao Phraya (Thái lan) và những nước thuộc lưu vực sông Mekong (Thái lan, Campuchia, Việt nam).
Hình thái:
Có thân cao và dạng như hình dạng chữ nhật, mõm nhô ra, miệng gần như nằm ngang, góc miệng kéo dài đến dưới điểm giữa mắt. Thân có màu xám sáng bạc và vàng sáng rất đẹp, màu xám dần về phần lưng. Trên thân có các hàng vẩy có phủ lớp sắc tố màu đen tạo thành các “sọc” lớn. Có tổng cộng 7 sọc bao gồm 3 sọc lớn ở phần thân, 2 sọc ở cuống đuôi, 1 sọc ở phần đầu vắt ngang trán và mắt, 1 sọc nối giữa phần đuôi và và rìa gốc vây lưng mềm. Khoảng cách giữa các sọc tương đối đều nhau
Đầu to trung bình, có 4 lỗ mũi. Mắt nhỏ trung bình nằm gần với đỉnh đầu.
Số vảy đường bên: 6416/35 (số vảy trên đường bên là 16 và dưới đường bên là 35)
– Vây lưng (D): XII, 16-18.
– Vây ngực (P): II,18.
– Vây bụng (V): I,5.
– Vây hậu môn (A): III,9-11.
– Vây đuôi (C): II, 18-20.
– Số lược mang trên cung mang: 14/11- 17/14.
– Dài chuẩn/cao thân: 2,865-2,449.
– Dài đầu/dài chuẩn: 0,329-0,302.
– Cao thân/ dài chuẩn: 0,349-0,408.
– Đường kính mắt/ Dài chuẩn: 0,0734-0,0491.
– Khoảng cách mắt/ dài chuẩn: 0,0671-0,0775.
– tỷ lệ Deep 2,2-2,4.
Sinh học:
Dinh dưỡng: Cá thường bắt mồi vào ban ngày, ở các tầng nước và chúng bắt mồi chủ động. Từ cấu tạo của ống tiêu hóa cho thấy thái hổ là loài cá phù hợp với tính ăn động vật, chúng thích ăn thức ăn tươi sống. Theo dõi cá bắt mồi trong bể nuôi cho thấy cá chỉ bắt mồi là cá con và tép bò (cả sống và chết), nhưng chúng thích bắt mồi sống hơn, chỉ khi không có mồi sống thì chúng mới ăn mồi đã chết. Khi đưa vào bể nuôi một số loại thức ăn khác như thức ăn viên công nghiệp, hạt đậu, trái cây bằm nhỏ… thì cá hoàn toàn không ăn.
Tăng trưởng: Giai đoạn 2 năm đầu khi chưa đạt kích thước thành thục thì cá có xu hướng tăng nhanh cả về chiều dài (khoảng dưới 20 cm) và khối lượng (200 gam). Sau đó vào giữa năm thứ 2, cá bắt đầu tăng nhanh hơn về khối lượng và tốc độ tăng chiều dài giảm dần
Sinh sản:
– Hệ số thành thục của cá cái ở giai đoạn III, IV là 1,59%, ở giai đoạn IV thì hệ cao hơn nhiều lần là 4,86%. Sức sinh sản tuyệt đối từ 3.000 – 7.071 trứng, sức sinh sản tương đối từ 4.771 – 9.478 trứng/kg. Đường kính trứng đạt lớn nhất ở giai đoạn IV dao động từ 0,4-0,6 mm, trung bình đạt 0,5±0,03 mm.
– Mùa vụ thành thục: mùa vụ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Như vậy mùa sinh sản của cá trong tự nhiên có thể là từ các tháng 9-10 trở đi, nằm vào cuối mùa mưa.
Thăm dò sinh sản: Sử dụng thuốc HCG để kích thích cá sinh sản nhân tạo. Kết quả sau kiểm tra sau 2 liều sơ bộ thì cá có biểu hiện bụng căng và mềm. Sau liều quyết định 10 tiếng, kiểm tra thì không thấy rụng trứng. Tuy nhiên cá có biểu hiện bụng rất mềm. Sau khi giải phẫu thì thấy buồng trứng căng mềm, đã chuyển rụng, có một số trứng tách tự do ra khỏi nang trứng. Cho nên có thể khẳng định, (1) có thể chưa đến thời điểm rụng trứng và trứng đang chuyển biến sang rụng sau một thời gian ngắn; (2) lượng kích dục tố còn chưa đủ để cá rụng trứng hoàn toàn. bước đầu khẳng định có thể sinh sản nhân tạo được cá hổ sọc nhỏ trong điều kiện nuôi vỗ trong bể với việc sử dụng kích dục tố là HCG
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: NE
6. CÁ SỬU
Tên nguồn gen: cá Sửu
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Cá sửu có nguồn gốc từ Biển Hồ (Campuchia), theo dòng Mekong xuống, sinh sống nhiều nơi ở vùng đầu nguồn sông Hậu Ở Việt Nam, cá sửu là loài cá chỉ xuất hiện ở những sông lớn như sông Hậu, sông Tiền.
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 53
Tên khoa học: Boesemania microlepis (Bleeker, 1858)
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh: Smallscale- Croaker
Tên tiếng Việt: Cá Sửu
Tên địa phương:
![]() |
Hình 1 Boesemania microlepis (Bleeker, 1858) |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Perciformes
Họ: Sciaenidae
Giống: Boesemania Trewavas, 1977
Loài: Boesemania microlepis (Bleeker, 1858).
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 64,5 cm; chiều dài nhỏ nhất: 28,0 cm.
Khối lượng lớn nhất: 1,82 kg; khối lượng nhỏ nhất: 0,43 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: cm; dao động: cm.
Môi trường sống:
Nước lợ, ngọt.
Phân bố:
Đông Nam Á, Thái Lan đến Sumatra. Phân bố trên sông Mêkông ở dòng chính và các chi lưu của sông từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Luang Prabang, Lào.
Hình thái:
Cá sửu nước ngọt là loại cá có vảy nhỏ, mình vàng nhạt, trong ao nuôi thì màu xám trắng, hơi giống cá chép. Cá sửu trung bình nặng cỡ 2 kg, dài 40 cm, cá biệt có con nặng đến 5 kg, dài đến 80 cm.
Sinh học:
Dinh dưỡng: Cá dữ, thức ăn chủ yếu là tôm tép, côn trùng và cá có kích thước nhỏ (Baird và ctv, 2001). Cá di chuyển trong phạm vi ngắn để săn mồi hoặc đuổi con mồi qua khu vực của chúng, thường cá đi đơn lẻ khi săn mồi (Rainboth, 1996; Baird và ctv, 2001; Poulsen và Valbo-Jørgensen, 2001).
Sinh sản: Ngoài tự nhiên thường gặp cỡ cá thành thục sinh dục 3–4 kg. Cá Sửu đẻ trứng vào lúc cạn nhất của mùa khô (tháng 3–5) ở những đoạn sâu của sông Mêkông, cá phát ra tiếng kêu “quạc quạc” lớn khi đẻ (Poulsen và ctv, 2004). Dựa vào kết quả thủy âm người ta đã phát hiện được 7 bãi đẻ ở các vực sâu thuộc huyện Khong (Baird và ctv, 2001). Cá đẻ trứng vào lức nước cạn nhất của mùa khô (tháng 3 – 5) ở những đoạn nước sâu.
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: NE
7. CÁ TRÊ PHÚ QUỐC
Tên nguồn gen: Cá Trê Phú Quốc
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: Cá trê Phú Quốc có nguồn gốc từ Phú Quốc – Kiên Giang.
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 24
Tên khoa học: Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011.
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Cá trê Phú Quốc, cá chình suối
Tên địa phương: cá chình suối
![]() |
Hình 1 Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011 |
Phân loại:
Ngành: Chordata
Lớp: Actinopterygii
Bộ cá nheo: Siluriformes
Họ cá trê: Clariidae
Giống cá trê: Clarias Scopoli 1977
Loài: Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011.
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: 40 cm ; chiều dài nhỏ nhất: 20 cm
Khối lượng lớn nhất: 0,4 kg ; khối lượng nhỏ nhất: 0,05 kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: cm; dao động: cm.
Môi trường sống:
Nước ngọt.
Phân bố:
Phú Quốc – Kiên Giang, Việt Nam, Lào.
Hình thái:
Dựa vào tài liệu của Nguyễn Văn Tư và ctv (2011) và kết quả thu mẫu phân tích cho thấy về hình thái của cá trê Phú Quốc: Cơ thể cá hình ống, dạng chình và trở nên dẹt ngang ở phần cuống đuôi. Đầu cá nhỏ và dẹt đứng, mặt lưng hơi cong và mặt bụng thẳng. Cặp lỗ mũi trước dạng ống và nằm ở giữa đối với gốc râu hàm trên. Cặp lỗ mũi sau được bao quanh bởi râu mũi và nằm ở giữa-sau đối với gốc râu hàm trên. Mắt nhỏ, hình oval. Các lỗ mở của mang hẹp, kéo dài từ điểm gốc vây ngực ở mặt lưng đến eo. Cung mang thứ nhất có 16-17 lược mang. Miệng cá gần tận cùng với các môi có nếp gấp và nhiều thịt. Răng miệng nhỏ và sắp xếp thành nhiều hàng không đều trên các tấm răng. Tấm răng tiền hàm có dạng hình chữ nhật. Tấm răng trên xương lá mía liên tục ngang đường giữa. Cá có bốn đôi râu dài, mảnh và dầy lên ở phần gốc. Đốt sống của cá là 80-84. Vây lưng dài khoảng 3 phần 4 chiều dài thân, được bao phủ bởi lớp da dầy với 84-103 tia vây. Rìa vây lưng thẳng, song song với cạnh lưng của thân. Vây ngực có một gai nhỏ với 8 tia vây (I,8). Đầu gai vây ngực nhọn với 19–25 răng cưa ở cạnh trước và nhẵn ở cạnh sau. Vây hậu môn dài khoảng 3 phần 5 chiều dài thân, được bao phủ bởi lớp da dầy với 74–92 tia vây. Rìa vây hậu môn thẳng, song song với cạnh bụng của thân. Cá có cuống đuôi rất ngắn. Vây đuôi tròn với 14 tia vây (i,6,6,i). Vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn không dính liền nhau.
Màu sắc: cá sống có màu nâu đậm ở phần lưng và bên của đầu và thân, nhạt dần về phần bụng. Hai bên thân cá có các hoa văn là 13–21 (phổ biến là 15–17) hàng đứng với 2–5 đốm trắng nhỏ và 2 dãy không đều các điểm màu trắng lớn hơn chạy dọc theo thân cá và phía dưới đường bên.
Cá trê Phú Quốc Clarias gracilentus giống với các loài C. nieuhofii, C. pseudonieuhofii và C. nigricans. Nhưng có thể phân biệt với các loài trên về các chỉ tiêu hình thái sau: khoảng cách trước vây ngực (12,0-15,1% SL), chiều dài vây lưng (71,1-78,3% SL), chiều dài vây hậu môn (56,8-65,8% SL), chiều dài mõm (18,3-23,9% HL), khoảng cách giữa hai ổ mắt (41,6-47,9% HL), chiều dài thóp trán (11,5-19,0% HL), chiều rộng thóp trán (6,1-9,9% HL), chiều dài mấu xương chẩm (6,1-11,7% HL) và chiều rộng mấu xương chẩm (23,4-37,4% HL). Cá trê Phú Quốc Clarias gracilentus có thể phân biệt với C. nieuhofii ở đặc điểm các vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn không dính liền nhau. Cá trê Phú Quốc được tìm thấy trong các suối nhỏ và các bưng trong rừng của Vườn quốc gia ở phía bắc đảo Phú Quốc (Nguyễn Văn Tư và ctv., 2011).
Sinh học:
Theo nghiên cứu của Ng, Dang & Nguyen, 2011 cho biết: Cá trê Phú Quốc là loài cá ăn động vật. Chiều dài tương đối của ruột (RLG) nhỏ hơn 1 và ít thay đổi theo kích cỡ cá; điều này chứng tỏ cá trê Phú Quốc không thay đổi tính ăn theo sự sinh trưởng của cá. Thức ăn ưa thích của cá trê Phú Quốc là các loài cá có kích thước nhỏ, cá con các loài cá có kích thước lớn và giáp xác. Cá trê Phú Quốc có cường độ bắt mồi lớn và cá sẵn sàng ăn nhau khi bị đói.
Sinh trưởng: Phương trình tương quan giữa chiều dài (L = 8,8–46,0 cm) và khối lượng (W = 2,6–420 g), từ 80 mẫu cá thu được, của cá trê Phú Quốc là W = 0,0037 L3,0747 với hệ số tương quan R2 = 0,9835 (Hình 6). Với giá trị R thu được cho thấy tương quan giữa chiều dài và khối lượng của cá trê Phú Quốc là rất chặt chẽ. Phân tích tương quan giữa chiều dài và khối lượng cho thấy, khi cá trê Phú Quốc còn nhỏ (L < 25 cm) cá tăng trưởng chủ yếu về chiều dài và tăng trưởng về khối lượng không đáng kể; khi cá lớn hơn (L > 25 cm), cá bắt đầu tăng trưởng nhanh về khối lượng.
Phân biệt giới tính: Đối với cá đực, gai sinh dục dài hình tam giác, phía đầu mút nhọn, thường có màu trắng đến hồng nhạt. Đối với cá cái, không có gai sinh dục, lỗ sinh dục tròn, thường có màu trắng đến hồng nhạt. Cá cái khi thành thục sinh dục có bụng to, mềm đều, lỗ sinh dục phồng to và có màu ửng hồng. Ngoài ra, cá trê Phú Quốc đực thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn cá cái cùng tuổi.
Hệ số thành thục trung bình của cá cái và cá đực đều tăng dần từ giai đoạn II, III và IV với các chỉ số GSI lần lượt là 0,2, 0,46 và 3,19% cho cá cái, và 0,16; 0,20 và 0,27% cho cá đực. Theo Xakun và Buskaia (1968), GSI đạt cao nhất ở cả hai giới tính khi tuyến sinh dục đạt giai đoạn IV thành thục. Đây là giai đoạn cá có thể tham gia sinh sản khi có các điều kiện sinh thái thích hợp. Cá cái khi thành thục sinh dục có chỉ số GSI (3,19%) cao hơn rất nhiều so với cá đực (0,27%).
Cá trê Phú Quốc có tuổi thành thục về sinh dục tương đối sớm (1+) ở kích cỡ tương đối nhỏ. Mùa sinh sản của cá bắt đầu vào đầu mùa mưa và có thể kéo dài đến tháng 7 hàng năm. Hệ số thành thục sinh dục (GSI) của cá trê Phú Quốc tương đối thấp ở cả hai giới tính (cao nhất là 2,46% ở cá cái và 0,24% ở cá đực). Cá trê Phú Quốc có sức sinh sản tương đối thấp (SSS tương đối lý thuyết là 19.687 trứng.kg-1 và SSS tương đối thực tế là 12.703 trứng.kg-1).
Phạm Thanh Liêm và cộng sự, (2015) cho biết Cá trê Phú Quốc (Clarias gracilentus) là một loài thuộc họ cá trê Clariidae mới được phát hiện năm 2011 ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Đã thực hiện để đánh giá sự thành thục và khả năng kích thích sinh sản loài này trong điều kiện nuôi giữ. Cá bố mẹ có khối lượng trung bình 192,1 ± 54,3 g được nuôi trong hệ thống nước tuần hoàn và cho ăn bằng thức ăn viên (chứa 41% đạm) trong 8 tháng trước khi tiến hành kích thích sinh sản. Kết quả ban đầu cho thấy cá thích nghi và thành thục tốt trong điều kiện nuôi nhân tạo. Chất kích thích sinh sản sử dụng trong thí nghiệm bao gồm đơn chất kích thích như não thùy thể cá chép (CP), hCG (human chorionic gonadotropin), Ovaprim, LHRHa (Luteinizing Hormone – Releasing Hormone analogue) hay kết hợp giữa não thùy thể với Ovaprim, hCG hoặc LHRHa. Kết quả thí nghiệm cho thấy đối với đơn chất kích thích thì não thùy thể, hCG hay LHRHa đều kích thích quá trình chín và rụng trứng, trong đó cá đáp ứng tốt với liều đơn não thùy thể (8 mg/kg khối lượng thân cá cái) với tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ nở tương ứng là 2,7±10,7% and 69,1±11,2%. Sử dụng kết hợp não thùy thể với các chất kích thích khác thì cá được tiêm 2 liều cách nhau 8 giờ, trong đó liều sơ bộ với 2 mg não thùy/kg và liều quyết định với 4.000 IU hCG/kg cho kết quả cao nhất về tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ nở.
Giá trị trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: NT
8. NGAO MÓNG TAY CHÚA
Tên nguồn gen: Ngao móng tay chúa
Hiện trạng lưu giữ
– Nguồn gốc: ngao móng tay chúa có nguồn gốc từ Cần Giờ – TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Địa điểm lưu giữ: Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Nam Bộ – Viện NC NTTS 2.
– Số lượng cá thể: 48
Tên khoa học: Cultellus maximus (Gmelin, 1791).
Tên theo FAO:
Tên tiếng Anh:
Tên tiếng Việt: Ngao móng tay chúa, móng chân
Tên địa phương: Móng chân, Móng tay lớn
![]() |
Hình 1 Cultellus maximus (Gmelin, 1791) |
Phân loại:
Ngành: Mollusca
Lớp: Bivalvia
Bộ: Euheterodonta
Họ: Pharidae
Giống: Cultellus
Loài: Cultellus maximus (Gmelin, 1791)
Kích thước
Chiều dài lớn nhất: cm; chiều dài nhỏ nhất: 50 cm.
Khối lượng lớn nhất: kg; khối lượng nhỏ nhất: kg.
Kích thước thành thục lần đầu:
Kích thước trung bình: cm; dao động: cm.
Môi trường sống:
Nước lợ, mặn.
Phân bố:
Khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, ngao móng tay chúa sống trong tầng đáy bùn cát ở nơi có thủy triều lên xuống và cũng được tìm thấy trong vùng nước nông. Ngao móng tay chúa phân bố tự nhiên dọc theo các vùng bãi triều nông có độ sâu 1-6 m, có nền đáy là bùn mịn hoặc bùn cát giàu chất hữu cơ, phân bố từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau.
Hình thái:
Dựa vào khóa phân loại Cosel, R.Von (1990) và Habe, T. (1964), và Hylleberg và Kilburn (2003). Vỏ móng tay chúa bên ngoài có các vân tăng trưởng phát triển đều và song song từ đỉnh vỏ đến mép vỏ. Vỏ mềm mỏng, bản lề yếu ớt, với ít nhất 1 răng cưa. Bản lề vỏ rõ rệt là điểm nối lưng và mép vỏ. Tỷ lệ chiều dài bản lề vỏ đến mép vỏ chân đào và bản lề vỏ đến mép vỏ ống siphon thường là 1/3. Móng tay chúa trưởng thành có chiều dài trung bình từ 13-15 cm, rộng khoảng 4-4,5 cm với độ dày của thân khoảng 1,7-2,2 cm và trọng lượng khoảng 140-160 g/con.
Sinh học:
Dinh dưỡng: phiêu sinh vật
Sinh sản: Móng tay chúa là loài phân tính rõ rệt. Con đực và cái rất khó phân biệt chỉ có thể phân biệt được bằng mắt thường trong mùa sinh sản khi đã thành thục sinh dục. Mùa vụ sinh sản của móng tay chúa đỉnh cao là tháng 11 đến tháng 02 năm sau.
Kích thích sinh sản cho móng tay chúa bằng phương pháp sốc hạ nhiệt là phương pháp phù hợp nhất với thời gian hiệu ứng là 60 phút. Ở nhóm móng tay chúa có kích cỡ 120-150 g/con có tỷ lệ thành thục: 68,6%, tỷ lệ tham gia sinh sản là 100%. Có sức sinh sản tuyệt đối trung bình là 5,59 triệu/các thể. Sức sinh sản tương đối là 118.899 trứng/g khối lượng toàn thân.
Quá trình biến thái từ trứng thụ tinh đến con giống từ 9-15 ngày. Ấu trùng trải qua các giai đoạn phát triển từ trứng thụ tinh đến phôi vị, ấu trùng bánh xe, ấu trùng chữ D, ấu trùng đỉnh vỏ, ấu trùng chân bò và giai đoạn con giống. Giai đoạn sống đáy đạt ở kích cỡ 1mm là 4-4,8% và kích cỡ 2mm 0,93%.
Giá trị cao trong nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ rộng rãi.
Mức độ nguy cấp
– Theo tiêu chuẩn IUCN:
– Theo tiêu chuẩn Việtnam: NT