Kết quả đánh giá bước đầu sự thành thục của sò huyết ở Bến Tre và Cà Mau

Ở Việt Nam, sò huyết A. granosa phân bố từ Bắc Bộ xuống Nam Bộ, chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau,…. và một số tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ninh,… Mùa vụ sinh sản của sò huyết thay đổi theo từng vùng địa lý do ảnh hưởng các yếu tố tự nhiên. Kết quả điều tra sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022 cho thấy sò huyết thành thục rải rác qua các tháng nhưng tập trung nhiều ở tháng 4 và tháng 5 ở cả Bến Tre và Cà Mau và tùy thuộc vào kích thước sò (chiều dài vỏ).

Sự thành thục của sò huyết kích thước nhỏ dưới 20 mm ở cả Bến Tre và Cà Mau chưa ghi nhận được cá thể thành thục từ tháng 1 đến tháng 6, trừ tháng 3 có 10% cá thể ở Bến Tre được ghi nhận có tuyến sinh dục phát triển.

Tỉ lệ thành thục của sò có nguồn gốc tại Bến Tre tăng từ 17% đến 70% ở nhóm có kích thước 20 mm – 30 mm từ tháng 1 đến tháng 4, sau đó giảm xuống 50% ở tháng 6; tỉ lệ này của nhóm sò có kích thước lớn hơn (> 30mm) cao hơn cùng thời điểm, từ 40% đến 100% từ tháng 1 đến tháng 4, sau đó giảm  còn 70% ở tháng 6.

Tỉ lệ thành thục của sò có nguồn gốc tại Cà Mau tăng từ 7% đến 80% ở nhóm có kích thước 20 mm -30 mm từ tháng 1 đến tháng 5, sau đó giảm xuống 53% ở tháng 6; tỉ lệ này của nhóm sò có kích thước lớn hơn (> 30 mm) cao hơn cùng thời điểm, từ 23% đến 83% từ tháng 1 đến tháng 4, sau đó giảm  còn 63% ở tháng 6.

Thời gian thành thục đỉnh cao từ tháng 1 đến tháng 6 của sò huyết tại Bến Tre và Cà Mau có sự chênh lệch, đỉnh thành thục của sò tại Bến Tre là tháng 4 trong khi ở Cà Mau  đỉnh thành thục rơi vào tháng 5. Kết quả này cung cấp thêm thông tin hữu ích cho việc lựa chọn kích thước sò huyết bố mẹ cũng như thời điểm trong sản xuất giống.

Hình 1. Tuyến sinh dục sò huyết cái thành thục với màu đỏ cam ( bên trong vòng tròn đỏ). Hình 2. Tuyến sinh dục sò huyết đực thành thục với màu trắng đục ( bên trong vòng tròn đỏ).
Hình 3. Trứng sò huyết thành thục soi tươi ở độ phóng đại x40. Hình 4. Tinh trùng sò huyết thành thục soi tươi ở độ phóng đại x40.

Lời cảm ơn

Chân thành cám ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu này.

Thông tin liên hệ

Chủ nhiệm đề tài: TS. La Xuân Thảo, Trung tâm Quốc gia giống hải sản Nam bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II.

Địa chỉ email: lxuanthao@gmail.com

Bài viết liên quan