Hội thảo tập huấn qui trình công nghệ nhân giống cá tra chất lượng cao

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt dự án “Phát triển sản xuất giống cá tra, cá rô phi đỏ” thực hiện trong các năm 2023-2026 theo Quyết định số 1947/QĐ-BNN-TCTS ngày 18 tháng 05 năm 2023. Dự án triển khai 3 nội dung đối với đối tượng cá tra trong năm 2024: 1) Sản xuất và cung cấp 25.000 cá hậu bị chọn giống tăng trưởng nhanh từ đàn hạt nhân chọn giống G4; 2) Nghiên cứu hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất cá tra bột bằng hoạt chất thay thế HCG; 3) Tập huấn qui trình công nghệ nhân giống cá tra chất lượng cao.

Ngày 15-16/11/2024, tại Trung tâm Quốc gia giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ, dự án đã tổ chức Hội thảo tập huấn qui trình công nghệ nhân giống cá tra chất lượng cao với hơn 60 đại biểu tham dự gồm cán bộ của Chi cục Thủy sản/ Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp, cơ sở và doanh nghiệp sản xuất cá bột và ương cá tra giống thuộc các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL gồm Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang,…

Hình 1. Các đại biểu đang theo dõi báo cáo tại hội thảo tập huấn

Tiến sĩ Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng – Phụ trách Viện đến dự và chỉ đạo hội thảo tập huấn. Ông Lâm nhấn mạnh: như nội dung của dự án, ngoài cung cấp cá tra hậu bị có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 31,1% với qui mô lớn (25.000 con/năm), dự án còn tập huấn qui trình công nghệ nhân giống cá tra chất lượng cao với các phần kỹ thuật nhấn mạnh về sản xuất cá bột chất lượng cao trong đó có sử dụng hoạt chất thay thế HCG; gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao hợp lý, quản lý môi trường ao nuôi và dịch bệnh phù hợp như sử dụng vi sinh kiểm soát chất lượng nước, tầm soát và xử lý mầm bệnh kịp thời, tăng sức đề kháng cho cá,…. từ đó nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống ương.

Hình 2. Tiến sĩ Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Phụ trách–phát biểu tại hội thảo tập huấn

Các đại biểu được tham gia thực hành các phần kỹ thuật trong các qui trình công nghệ nhân giống (Hình 3).

Hình 3. Thực hành: Đánh dấu vị trí DCWT cho cá hậu bị (hình trái); Phết lam test nhanh bệnh trắng thối đuôi (hình phải)

Các năm tiếp theo 2025-2026, hàng năm dự án tiếp tục cung cấp 25.000 cá tra hậu bị/năm, với số lượng trong dự án lần này cùng với áp dụng qui trình công nghệ nhân giống mới và số cá hậu bị còn trong thời hạn khai thác mà dự án giai đoạn 2016-2020 đã cung cấp có thể đáp ứng nhu cầu cá tra bố mẹ và cá tra giống của người sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL.

Bài và ảnh: PGS.TS. Nguyễn Văn Sáng

Trung tâm Công nghệ Sinh học Thuỷ sản, Viện NCNTTS II

Bài viết liên quan