Hiện trạng sử dụng và chất lượng nguồn phụ phẩm tôm từ nhà máy chế biến tôm đông lạnh

Trong năm 2022, Trung Tâm Công Nghệ Thức Ăn và Sau Thu Hoạch Thuỷ Sản đã tiến hành khảo sát một số nhà máy chế biến tôm đông lạnh tại ĐBSCL. Số liệu khảo sát cho thấy  rằng phần lớn tôm được bảo quản và xuất khẩu ở dạng đông lạnh có hoặc không có vỏ, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Nhìn chung, quá trình chế biến tôm xuất khẩu tạo ra khoảng 33-46% phụ phẩm bao gồm đầu, nội tạng, vỏ, v.v. Số liệu từ Bộ công thương cho thấy lượng phụ phẩm tôm chế biến ở Việt Nam ước tính khoảng 325.000 tấn/năm. Theo đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến tôm, lượng phụ phẩm tôm có thể lên đến hơn 450.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Đây là một nguồn phụ phẩm thủy sản dồi dào, có giá trị cao, tuy nhiên nếu không xử lý đúng cách, hoặc không có biện pháp tái sử dụng thì nó lại trở thành gánh nặng cho môi trường.

 

Phụ phẩm tôm chứa các thành phần dinh dưỡng có tiềm năng được tái sử dụng như protein, chitin, các sắc tố, enzyme, lipid, khoáng và các vitamin. Hàm lượng của các dưỡng chất phụ thuộc vào kỹ thuật ly trích và quy trình chế biến. Kết quả khảo sát cho thấy độ tươi của phụ phẩm tôm thu được từ các nhà máy chế biến tôm từ 85-250mgN/100g, hàm lượng ẩm: 74-81%, protein: 8,5-14%, lipid: 2,5-3,5% và hàm lượng astaxanthin từ 240 – 850 mg/kg. Kết quả phân tích chỉ ra rằng phụ phẩm ngành chế biến tôm đông lạnh có hàm lượng các dưỡng chất cao, là nguồn nguyên liệu tiềm năng và có giá trị dùng trong thực phẩm, dược phẩm và thức ăn chăn nuôi (Hình 2). Việc khai thác, tận dụng nguồn phụ phẩm giá trị này trong sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như giảm thiểu tác động về môi trường.

Hình 1. Phụ phẩm tôm từ nhà máy chế biến đông lạnh. Hình 2. Một số sản phẩm tiêu biểu từ phụ phẩm (Nguồn: Viet Nam. Food)

Thông tin liên hệ:

ThS. Phạm Duy Hải, Trung Tâm Công Nghệ Thức Ăn và Sau Thu Hoạch Thuỷ Sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II. Email: duyhaipp@gmail.com

Bài viết liên quan