Đánh giá trữ lượng cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus) ở Nam Thái Dương bằng mô hình nhân khẩu học

Kết quả đánh giá trữ lượng quần đàn cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus) ở Nam Thái Bình Dương bằng phương pháp mô hình nhân khẩu học cho thấy năng suất thấp, chủ yếu do khai thác quá mức và tính dễ bị tổn thương do áp lực đánh bắt ngày càng nhiều. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong tự nhiên (M) và tỷ lệ tử vong do đánh bắt (F) là những thông số rất quan trọng để xác định động lực dân số của chúng. Tuy nhiên, do không có dữ liệu đánh bắt và nỗ lực đánh bắt (thước đo lượng đánh bắt, như: số giờ hoặc ngày đánh bắt cá, số lưỡi câu được sử dụng, số km lưới được sử dụng,…) đối với loài này ở Nam Thái Bình Dương dẫn đến việc đánh giá trữ lượng càng trở nên khó khăn.

Trong lĩnh vực nghề cá, các mô hình nhân khẩu học hỗ trợ phân tích các loài có dữ liệu hạn chế và có một số lợi thế hơn so với các mô hình đánh giá trữ lượng thông thường. Các phương pháp đánh giá trữ lượng truyền thống, mô hình sản xuất thặng dư hoặc mô hình dân số theo cấu trúc tuổi yêu cầu một lượng lớn dữ liệu (ví dụ: chỉ số đánh bắt, nỗ lực và mức độ phong phú,…). Trái ngược với các mô hình thông thường, các mô hình nhân khẩu học chỉ yêu cầu các tham số lịch sử vòng đời giới hạn dữ liệu (nghĩa là tỷ lệ sống sót, tuổi trưởng thành, tuổi thọ, kích thước lứa đẻ và số lượng phôi). Trong nghiên cứu này, mô hình dân số ma trận có cấu trúc giai đoạn hai giới tính đã được sử dụng để kiểm tra tình trạng trữ lượng cá mập mako, bằng cách dùng dữ liệu hạn chế về lịch sử vòng đời của chúng. Kết hợp thực hiện mô phỏng Monte Carlo để xây dựng một khung ngẫu nhiên đánh giá tác động của sự không chắc chắn đối với ước tính tốc độ tăng dân số.

Hình cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus) (Ảnh chụp bởi Joshua Moyer)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện không đánh bắt (F = 0), các mô phỏng đã chứng minh rằng cá mập mako có tốc độ tăng dân số trong chu kỳ sinh sản 2 năm cao hơn so với chu kỳ sinh sản 3 năm. Việc bảo vệ cá mập mako chưa trưởng thành dẫn đến tốc độ tăng dân số cao hơn so với bảo vệ cá mập mako trưởng thành. Theo dữ liệu cụ thể về giới tính, việc bảo vệ cá mập đực và cái chưa trưởng thành dẫn đến tốc độ tăng dân số cao hơn so với việc bảo vệ cá mập đực và cái trưởng thành. Vì vậy, các biện pháp quản lý cụ thể theo giới tính có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và bảo tồn cá mập mako bền vững.

Cần có những ước tính chính xác hơn về tỷ lệ tử vong do đánh bắt và tự nhiên để hiểu rõ hơn tác động của nghề cá thương mại đối với quần đàn cá mập mako vây ngắn ở Nam Thái Bình Dương trong tương lai. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của nghiên cứu này có thể được sử dụng như một công cụ đánh giá các loài cá mập và phân loại cá mập khác có dữ liệu khai thác giới hạn.

Thông tin bài viết được trích từ bài báo:

“Demographic Analysis of Shortfin Mako Shark (Isurus oxyrinchus) in the South Pacific Ocean” Animals 12, no. 22: 3229. https://doi.org/10.3390/ani12223229

ThS. Huỳnh Hoàng Huy

Phòng Sinh thái Nghề cá và Tài nguyên thủy sinh vật.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II

Bài viết liên quan