Nghề nuôi cá tra đang phát triển mạnh mẽ với sản lượng không ngừng tăng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng con giống suy giảm, tăng trưởng kém, xuất hiện các bệnh về gan, tụy gây tỷ lệ tử vong cao, và đặc biệt hàm lượng các acid béo HUFA trong cơ thịt cá khá thấp. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu xây dựng công thức thức ăn nâng cao tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng miễn dịch và tích lũy HUFA của cá tra thông qua con đường dinh dưỡng.
Nghiên cứu tăng cường sức khỏe, nâng cao tăng trưởng và cải thiện chất lượng của đối tượng thủy sản nuôi luôn là nhiệm vụ và mục tiêu hàng đầu trong hầu hết các nghiên cứu về dinh dưỡng thủy sản. Hiện nay, việc sử dụng các hoạt chất sinh học như enzyme tiêu hóa, kích thích sinh học, probiotic, prebiotic giúp tăng cường miễn dịch, thân thiện với môi trường đã dần trở nên thịnh hành do những lợi ích của chúng mang lại cho đối tượng thủy sản nuôi. Trong các đối tượng nuôi trồng thủy sản, cá tra là loài nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Mặc dù, nghề nuôi cá tra đang phát triển mạnh mẽ với sản lượng không ngừng tăng, nhưng nghề nuôi cá tra đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng con giống suy giảm, tăng trưởng kém, xuất hiện các bệnh về gan, tụy gây tỷ lệ tử vong cao, và đặc biệt hàm lượng các acid béo HUFA trong cơ thịt cá khá thấp.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch Thủy sản thuộc Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu thực hiện đề tài từ cuối năm 2018. Sau thời gian nghiên cứu thử nghiệm xây dựng công thức thức ăn nhằm nâng cao tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng miễn dịch và tích lũy HUFA của cá tra thông qua con đường dinh dưỡng, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tăng trọng của cá và hệ số thức ăn tốt hơn khi sử dụng thức ăn đáp ứng nhu cầu các acid béo cao không no và các chất bổ sung vitamin, khoáng thích hợp. Bên cạnh đó, việc bổ sung chế phẩm Beta-glucan và Lactobacillus plantarum cho kết quả tốt hơn về tăng trọng và khả năng miễn dịch của cá khi gây sốc môi trường bằng NH3-N với hàm lượng 5mg/L. Từ các kết quả thí nghiệm thu được, nhóm thực hiện đề tài đang tiến hành tổng hợp, thu thập số liệu kết quả để đánh giá hiệu quả thức ăn. Các công thức thức ăn của đề tài đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia TCVN 10300:2014 về thức ăn hỗn hợp cho cá tra, đồng thời đáp ứng tiêu chí nâng cao tăng trưởng và tích lũy các acid béo cao không no trong cơ thịt cá.
 |
Hình 1. Bố trí thí nghiệm cá tra tại cơ sở thực nghiệm Gò Vấp
|
 |
Hình 2. Cá tra nuôi thí nghiệm trong vèo tại vùng nuôi Vĩnh Hoàn, Đồng Tháp
|
 |
Hình 3. Thu máu cá để phân tích miễn dịch
|
|
Hình 4. Mẫu phi lê cá tra sau khi kết thúc thí nghiệm
|
© 2012 vienthuysan2.org.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Ghi rõ nguồn "vienthuysan2.org.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.